Lịch sử Thành_cổ_Châu_Sa

Năm 1924, kiến trúc sư người Pháp Henry Parmentier đã tìm thấy ở đây các di chỉ văn hóa và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Điêu Khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng. Các dấu vết cho thấy thành cổ Châu Sa đã từng là trung tâm kinh tế của châu Amaravati thuộc Vương quốc Chăm Pa trước kia.

Năm 1994, tức sau 70 năm được phát hiện, thành mới được công nhận là di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Việc chậm công nhận di tích cấp quốc gia có thể đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ thành cổ; do trước khi được quan tâm, bờ thành đã bị người dân địa phương làm đường. Hiện nay, đây là nơi thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ.

Đặc biệt gần đây phát hiện ra dấu tích lò gốm và những tấm đất nung có liên quan đến Phật giáo ở Núi Chồi. Bằng biện pháp so sánh Ngô Văn Doanh và các và một số nhà khao học khác đã xác định, các tiểu phẩm gốm ở Núi Chồi có niên đại thế kỷ X. Khi nghiên cứu Núi Chồi, phát hiện nhiều hiện vật có hình dáng, kích thước và các nhân vật thể hiện trên đất nung có nguồn gốc từ khu đền Chaya của vương quốc Srivijaya, thế kỷ VII-XIII, miền nam Thái Lan. Ngoài ra còn phát hiện nhiều loại gốm với nhiều chủng loại hoa văn khác nhau. Đó là những bằng chứng chứng tỏ mối quan hệ giữa dân cư thành Châu Sa với các khu vực trong vương quốc Champa và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hải đảo. Như vậy ta có thể nói ít nhất là ở thế kỷ IX-X, thành Châu Sa là một trung tâm hành chính, kinh tế quan trọng của châu Amaravati, một địa điểm quan trọng thông thương với các nước trong khu vực.